An Nghiên
VinFuture 2025 nhận 1.705 đề cử, tăng 12 lần số đối tác sau 5 mùa
Ngày 22/5, Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture chính thức khép lại vòng đề cử cho mùa giải thứ 5 với 1.705 hồ sơ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Số lượng đối tác đề cử chính thức của giải thưởng tăng trưởng vượt bậc, đạt 14.772 đối tác - tăng hơn 12 lần so với con số 1.200 của mùa đầu tiên, xứng danh là nơi hội tụ của trí tuệ toàn cầu.
Mùa giải năm 2025 không chỉ bứt phá mạnh mẽ về số lượng đề cử mà còn có sự tham gia ngày càng sâu rộng của cộng đồng khoa học quốc tế uy tín. Trong đó, số đối tác đề cử tăng hơn 60% so với năm 2024, chủ yếu là nhà khoa học đến từ châu Mỹ (chiếm 31%), tiếp đến là châu Âu (28,6%), châu Á (26,8%), châu Phi (7,1%) và châu Đại Dương (6,5%).
Đặc biệt, gần 50% (7.240) trong số 14.772 đối tác đề cử năm nay là chuyên gia đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, như Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Stanford (Mỹ), Đại học Cambridge, Đại học Oxford (Vương quốc Anh), Đại học Melbourne (Australia), Đại học Toronto (Canada), Đại học Quốc gia Singapore (Singapore)… Đáng chú ý, 1.395 đối tác đề cử (tương đương 9,4%) là các nhà khoa học thuộc top 2% nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, theo xếp hạng của các chuyên gia Đại học Stanford.
Các đề cử năm 2025 tiếp tục trải rộng trên nhiều lĩnh vực thiết yếu của đời sống và phát triển bền vững toàn cầu, bao gồm y học và chăm sóc sức khỏe (36,7%); năng lượng, giao thông vận tải và xây dựng (17,8%); môi trường và Trái Đất (17,8%); nông nghiệp và thực phẩm (11,3%). Đây đều là lĩnh vực then chốt, phản ánh xu thế phát triển khoa học công nghệ của nhân loại và đang thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế.
Sau 5 năm hoạt động, Giải thưởng VinFuture khẳng định tầm vóc và uy tín trên trường quốc tế. Ảnh: VinFuture.
Các đối tác đề cử của VinFuture đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và giới thiệu những công trình khoa học xứng đáng. Các công trình tạo ra tác động tích cực đối với cuộc sống nhân loại, đồng thời góp phần lan tỏa thông tin về Giải thưởng VinFuture đến cộng đồng khoa học quốc tế.
Được thuyết phục bởi sứ mệnh cao cả và tính độc đáo của Giải thưởng VinFuture, các đối tác đề cử làm việc trên cơ sở tự nguyện. Năm 2024, từ đề cử của GS Monica Lam, chuyên gia khoa học máy tính hàng đầu tại Đại học Stanford (Mỹ), ông Jensen Huang, CEO kiêm người đồng sáng lập Nvidia, đã được vinh danh tại Giải thưởng Chính VinFuture nhờ đóng góp từ ngành công nghiệp để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.