Phượng An
Học liên ngành hay chuyên sâu - tìm hướng đi bền vững cho tương lai
Trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, quyết định học liên ngành hay học chuyên sâu cần dựa trên cả xu hướng dài hạn và thế mạnh riêng của từng học sinh.
Tại trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM), xu hướng đào tạo đang dịch chuyển rõ nét theo hướng mở rộng và tích hợp. Năm 2025, nhà trường dự kiến mở mới 5 liên ngành thuộc chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh, bao gồm: Thiết kế vi mạch, Năng lượng tái tạo, Công nghệ sinh học số, Kinh tế tuần hoàn và Kinh doanh số.
Chọn đúng ngành cho tương lai
Các liên ngành này là một phần trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phản ánh tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Lấy ví dụ, chương trình của ngành Thiết kế vi mạch được hình thành trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam, đến năm 2030, các cơ sở giáo dục cần đào tạo ít nhất 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, nằm trong tổng số 50.000 nhân lực trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Tương tự, Kinh tế tuần hoàn và Năng lượng tái tạo là lĩnh vực đang được thúc đẩy mạnh mẽ để thực hiện các cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là 2 lĩnh vực then chốt trong chiến lược tăng trưởng xanh, với trọng tâm giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy chuyển dịch sang nền kinh tế cac-bon thấp.
Trường ĐH Bách khoa mở 5 liên ngành mới mang đến nhiều lựa chọn cho thí sinh.
Chương trình đào tạo liên ngành tại trường không chỉ cung cấp kiến thức tích hợp giữa kỹ thuật, công nghệ và quản trị, mà còn hướng đến việc rèn luyện tư duy hệ thống, khả năng thích ứng, đổi mới.
Người học được trang bị kiến thức từ nhiều khía cạnh, chẳng hạn như công nghệ với kinh doanh, kỹ thuật với quản lý, đồng thời hiểu rõ hơn về mô hình phát triển bền vững và quản trị rủi ro trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa.
Khi nào nên học chuyên sâu
Thế giới năm 2025 đang đối mặt với nhiều thay đổi lớn về địa chính trị, kinh tế và công nghệ như căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, lạm phát, suy thoái tiềm tàng, ảnh hưởng sâu rộng của AI đến cấu trúc thị trường lao động toàn cầu. Việc chọn ngành học không dựa trên “ngành hot” nhất thời mà phải cân nhắc yếu tố năng lực, sở thích, xu hướng dài hạn, giá trị xã hội người học muốn tạo dựng...
Chuyên sâu là lựa chọn phù hợp nếu người học đã xác định rõ đam mê và định hướng nghề nghiệp cụ thể, nhất là trong các ngành kỹ thuật, vốn là thế mạnh đào tạo tại trường ĐH Bách khoa, có thể kể đến: Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật Robot, Kỹ thuật Cơ - Điện tử, Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa, Kỹ thuật Vật liệu Công nghệ cao, Kỹ thuật Xây dựng…
Sinh viên ngành Cơ - Điện tử đang thực hành tại phòng thí nghiệm khoa.
Trong khi đó, học liên ngành phù hợp với những ai muốn kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực và linh hoạt trong nghề nghiệp. Chẳng hạn, ngành Công nghệ sinh học số mở ra cơ hội làm việc với dữ liệu gene, phát triển thuốc. Bên cạnh đó, người học ngành này có thể phát triển theo hướng thiết kế phần mềm y sinh, hệ thống theo dõi sức khỏe tại các công ty dược, công ty AI y tế.
Với hệ thống ngành học đa dạng, cập nhật liên tục theo xu thế toàn cầu, trường ĐH Bách khoa mở ra nhiều lựa chọn để học sinh cân nhắc trước ngưỡng cửa chọn ngành - nghề quan trọng.